Cách viết mô tả sản phẩm của bạn đã đủ thu hút chưa? Hay chỉ đơn giản là bạn đang liệt kê các mô tả và công dụng của sản phẩm một cách nhàm chán? Làm sao để mô tả sản phẩm của bạn khiến cho khách hàng vừa đọc vào là muốn mua liền?
MÔ TẢ SẢN PHẨM LÀ GÌ?
Trên Amazon, mô tả sản phẩm bao gồm : Bộ ảnh (9 ảnh tối đa), Tiêu đề, mô tả ngắn, mô tả dài (có thể trình bày dạng text hoặc hình ảnh với content A+ nếu tài khoản của bạn đã đăng ký trademark và sử dụng Brand registy).
Trước đó mình đã có một bài viết về cách để tối ưu cho bộ ảnh sản phẩm , hôm nay mình muốn chia sẻ một chút kinh nghiệm cá nhân của mình về việc tối ưu cho các phần còn lại của mô tả sản phẩm.
Mô tả sản phẩm có thể hiểu đơn giản là nội dung tiếp thị, giải thích sản phẩm là gì và tại sao sản phẩm đó đáng mua. Mục đích của mô tả sản phẩm là cung cấp cho khách hàng chi tiết về các tính năng và lợi ích của sản phẩm để từ đó khiến khách hàng muốn mua hàng.
Nhiều người bán hàng thường mắc một sai lầm kinh điển. Đó là hay xem nhẹ và bỏ qua việc viết mô tả sản phẩm hay chỉ viết một cách qua loa, đại khái cho có. Trong khi đây là công đoạn rất quan trọng trong quá trình bán hàng, giúp tăng quyết định mua hàng, giữ chân khách hàng, tăng trải nghiệm của khách hàng về sản phẩm, tạo ra sự khác biệt so với đối thủ cạnh tranh, giúp cho doanh số bán hàng của bạn tăng trưởng.
1. BIẾN MÔ TẢ SẢN PHẨM CỦA BẠN THÀNH CUỘC TRÒ CHUYỆN:
Đừng để mô tả sản phẩm của bạn chỉ là những dòng chữ thông thường. Thay vào đó hãy biến nó thành một cuộc trò chuyện, đối thoại như thể khách hàng đang hỏi và bạn trả lời. Cố gắng đặt mình vào vị trí của khách hàng để hiểu được họ đang nghĩ gì, sẽ hỏi gì và từ đó viết ra mô tả sản phẩm của bạn.
Trước hết bạn cần xác định đối tượng khách hàng lý tưởng của bạn là ai. Khách hàng của bạn chủ yếu là nam hay nữ? Họ ở độ tuổi nào và ngôn ngữ nào phù hợp với họ, những từ ngữ nào nên tránh,… Sau khi đã xác định rõ đối tượng khách hàng thì bạn có thể sáng tạo ra một cuộc trò chuyện thú vị giữa bạn và khách hàng rồi đấy.
Khéo léo sử dụng một số mẫu câu hỏi giúp tăng khả năng quyết định mua hàng, đứng về phía của khách hàng để suy nghĩ và đặt ra các vấn đề:
- Câu hỏi nêu vấn đề của khách hàng đang gặp phải.
VD: Sản phẩm của bạn là cái chặn khe cửa, bạn có thể đặt câu hỏi : Vào mùa đông lạnh giá bạn có gặp vấn đề khi gió lạnh luồn qua những khe cửa để vào nhà? Vào mùa mưa ẩm có bị các loại côn trùng theo các khe cửa đó mà tới hay không?
- Câu hỏi so sánh sản phẩm của bạn với các sản phẩm của đối thủ : Để làm được điều này các bạn cần có những nghiên cứu đủ tốt về các sản phẩm đang có mặt trên thị trường. Đọc review xấu mà khách hàng để lại, từ đó đưa ra những cải tiến về sản phẩm của bạn, bạn cần phải chắc chắn rằng, sản phẩm của bạn có giải pháp để giải quyết các vấn đề vốn có đó.
VD: Khách hàng phàn nàn về việc chiếc khóa của túi kém chất lượng và bị hỏng chỉ sau một vài lần sử dụng. Bạn có thể khéo léo hỏi họ về vấn đề này và nói với họ về chất lượng khóa kéo của bạn tốt và bền như thế nào.
- Câu hỏi về trải nghiệm sản phẩm:
Mình đã gặp rất nhiều trường hợp khách hàng phàn nàn về chất lượng của sản phẩm chỉ vì họ không sử dụng nó đúng cách. Hoặc bạn có thể chia sẻ 1 tips nhỏ giúp cho sản phẩm của bạn được tối ưu hơn.
VD : Sản phẩm của bạn là một cốc thủy tinh. Khi khách hàng mua về nên luộc qua với nước nóng và để nguội tự nhiên sẽ giúp cho chiếc cốc được bền chắc hơn.
- Câu hỏi về quyết định mua hàng : nếu khách hàng vẫn còn e ngại về việc bảo đảm mua hàng cũng như các hình thức hỗ trợ của bạn với họ, bạn nên đưa thêm một số bảo đảm về việc đổi trả miễn phí, hoàn tiền, bảo hành giúp khách hàng có thể nhanh chóng đưa ra quyết định.
Những câu hỏi này có thể được sử dụng ở đâu?
Bạn có thể chèn các câu hỏi này vào phần bullet point, description và Q&A.
Cá nhân mình thấy phần Q&A rất hữu dụng khi bạn có thể thoải mái đặt ra các câu hỏi tình huống về trải nghiệm sản phẩm mà khá nhiều người thường hay bỏ qua nó
2. TẬP TRUNG VÀO CÁC TÍNH NĂNG, LỢI ÍCH MÀ SẢN PHẨM CÓ THỂ ĐEM LẠI CHO KHÁCH HÀNG :
Khách hàng của bạn sẽ không quá chú ý về những thông số kỹ thuật khô khan mà họ mong muốn tìm được một sản phẩm có thể giải quyết những vấn đề của họ. Bởi vậy, những mô tả về lợi ích của sản phẩm nên được đưa ra đầu tiên, tại một số vị trí khách hàng dễ dàng nhìn thấy được. Khách hàng sẽ ít khi đủ kiên nhẫn để đọc hết toàn bộ nội dung mô tả sản phẩm của bạn.
Thế nên hãy nghiên cứu kỹ và đầu tư nội dung cho các công dụng của sản phẩm và làm nổi bật nó lên. Nêu ra sản phẩm của bạn đem lại cho khách hàng lợi ích hoặc hiệu quả hơn như thế nào. Nó giúp giải quyết những vấn đề, trục trặc, rắc rối nào mà khách hàng đang gặp phải. Nên nhớ đừng chỉ bán cái bạn có mà phải bán cái khách hàng cần.
Vị trí tối ưu : Tiêu đề sản phẩm, bullet point, phần đầu của Des.
3. TRÁNH SỬ DỤNG NHỮNG TỪ CẢM THÁN, TỰ KHEN SẢN PHẨM CỦA MÌNH.
Khi bị bí ý tưởng và không biết ghi thêm cái gì vào mô tả sản phẩm thì chúng ta thường có thói quen ghi những câu nhạt nhẽo như : chất lượng sản phẩm tuyệt vời, sản phẩm bán chạy nhất, sự lựa chọn đúng đắn,….
Bạn càng tự khen sản phẩm của bạn chất lượng thì càng khiến cho khách hàng nghi ngờ thêm. Thay vì nhấn mạnh rằng dịch vụ hay sản phẩm của bạn là tốt nhất, hãy tập trung nhấn mạnh lợi ích và để khách hàng tự trải nghiệm, thấu hiểu.
Ngoài ra thì Amazon cũng giới hạn việc bạn sử dụng các từ khóa có nội dung tự khen như vậy trong sản phẩm nên bạn hãy chú ý nhé.
4. LÀM NỔI BẬT NHỮNG THỨ BẠN LÀM TỐT NHẤT.
Không giống như việc tự khen sản phẩm một cách rỗng tuếch như trên, với việc bạn có thể đưa ra những dẫn chứng cụ thể về những điểm nổi bật của sản phẩm của bạn so với các sản phẩm khác trên thị trường thì không có lý do gì mà bạn không thể hiện ra cho khách hàng thấy cả.
VD: Amazon đang đưa ra dẫn chứng để giải thích tại sao Kindle Paperwhite lại là trình đọc sách điện tử tiên tiến nhất trên thế giới. Đặc biệt là tính năng nổi bật mà không phải trình đọc sách điện tử nào cũng có được. Đó là ngay cả khi đang đi dưới ánh nắng mặt trời thì Paperwhite vẫn có thể cung cấp rõ ràng văn bản và hình ảnh một cách sắc nét, không để bị chói mắt.
5. KHƠI GỢI TRÍ TƯỞNG TƯỢNG CỦA KHÁCH HÀNG.
Khi bạn đang bán hàng trực tuyến, khách hàng của bạn sẽ không thể cầm nắm, chạm vào sản phẩm của bạn một cách trực tiếp để cảm nhận. Họ chỉ có thể tưởng tượng về sản phẩm của bạn thông qua các dòng mô tả. Một nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng nếu khách hàng càng dễ hình dung và tưởng tượng được sản phẩm đó như thế nào. Họ sẽ sử dụng nó ra sao thì mong muốn sở hữu sản phẩm đó sẽ càng tăng lên.
Vì vậy, hãy vận dụng mọi câu từ một cách khôn ngoan và sáng tạo nhất để khơi gợi trí tò mò và sự tưởng tượng của khách hàng. Khiến cho họ nghĩ về việc khi sở hữu sản phẩm đó thì họ sẽ sử dụng ra sao, họ làm được những gì. Các hình ảnh hoặc video minh họa trong phần mô tả sản phẩm sẽ rất giúp ích cho việc hình dung ra sản phẩm của bạn như thế nào. Từ đó tăng mong muốn sở hữu nó của khách hàng lên nhiều hơn.
VD : Con gái của bạn sẽ vỡ òa khi nhận được món quà là nhân vật hoạt hình cô bé yêu thích (thú bông) đang xuất hiện trên giường của mình vào ngày sinh nhật.
6. TẠO MỘT CÂU CHUYỆN THƯƠNG HIỆU CHO SẢN PHẨM CỦA BẠN.
Nếu bạn đang muốn xây dựng một thương hiệu trong lòng người mua hàng mà mỗi khi nhắc đến bạn họ sẽ luôn liên tưởng tới một điều khác biệt. Đừng chỉ viết những câu chữ mang tính lý thuyết mà hãy sáng tạo một câu chuyện trong mô tả sản phẩm của bạn. Điều đó sẽ giúp làm giảm các rào cản khoảng cách giữa sản phẩm và khách hàng, tạo ra sự gần gũi và thân thiện hơn.
Một số ví dụ giúp bạn có thể xây dựng nên câu chuyện thương hiệu của riêng mình :
- Ai là người đã tạo ra sản phẩm?
- Điều gì tạo cảm hứng cho việc tạo ra sản phẩm?
- Sản phẩm đã tạo nên những giá trị gì cho người dùng của họ?
- Quá trình hình thành nên sản phẩm và sự cải thiện để có sản phẩm hiện tại.
- Các chứng chỉ đã đạt được của sản phẩm.
7. SỬ DỤNG NHỮNG TÍNH TỪ MIÊU TẢ CẢM GIÁC.
Sử dụng các tính từ miêu tả âm thanh, màu sắc, vị giác,… để khơi gợi, kích thích các giác quan của khách hàng, từ đó thúc đẩy họ mua hàng nhiều hơn. Chẳng hạn như:
- An toàn : cho các sản phẩm bảo hộ, những sản phẩm dùng cho trẻ em, thực phẩm..
- Tự nhiên : Những sản phẩm thuộc ngành mỹ phẩm, thực phẩm
- Êm ái, mềm mịn, thoải mái : cho các dòng sản phẩm thuộc về may mặc, phòng ngủ.
- Sang trọng, tinh tế : dùng cho các sản phẩm trang trí, nội thất
- Hữu ích, tiện lợi : dành cho các sản phẩm tiêu dùng, vật dụng nhà bếp.
……….
8. MÔ TẢ SẢN PHẨM CẦN DỄ ĐỌC VÀ TỐI ƯU HÓA TRÊN CÔNG CỤ TÌM KIẾM
Việc tối ưu hóa nội dung trên công cụ tìm kiếm tất nhiên là rất quan trọng để khách hàng có thể tìm thấy sản phẩm của bạn. Công đoạn này có nghĩa là bạn cần sử dụng những từ ngữ mà khách hàng thường dùng từ đó gõ trên Amazon, Google khi muốn biết về sản phẩm. Sử dụng các từ khóa đó trong tiêu đề chính và phụ, nội dung xuyên suốt của sản phẩm.
Tuy nhiên cũng đừng nên quá chú tâm vào đó mà làm giảm mức độ hấp dẫn đối với người đọc. Bởi vì sẽ không ai muốn đọc một bài viết sinh ra để dành cho công cụ thay vì dành cho con người.
Thay vào đó bạn cần làm cho mô tả sản phẩm của bạn không chỉ cung cấp đủ thông tin mà còn phải rõ ràng, dễ đọc. Đừng chỉ viết liên tục những đoạn văn dài ngoằng, không chấm phẩy, không trọng tâm, hãy nhấn mạnh và làm rõ những đặc điểm quan trọng nhất để khách hàng chỉ cần lướt qua là có thể nắm rõ. Để khiến mô tả sản phẩm dễ theo dõi, hãy thực hiện một vài mẹo nhỏ sau đây:
- Tô đậm những từ khóa quan trọng, những điểm mà bạn muốn nhấn mạnh về sản phẩm.
– Sử dụng các gạch đầu dòng để phân chia và làm rõ các ý.
– Nên có nhiều khoảng cách giữa các đoạn để tăng tính dễ đọc và đỡ rối mắt.
Khi bạn sử dụng content A+ :
- Sử dụng phông chữ đơn giản, dễ nhìn
– Sử dụng video hoặc hình ảnh để khách hàng dễ hình dung về sản phẩm.
- Tránh sử dụng những từ ngữ quá kỹ thuật, chuyên ngành nếu nó không thực sự cần thiết.
9. ĐƯA NHỮNG ĐÁNH GIÁ TÍCH CỰC CỦA KHÁCH HÀNG VÀO MÔ TẢ SẢN PHẨM.
Khi mua hàng online, đánh giá của khách hàng cũ về sản phẩm chiếm vai trò quan trọng trong việc giúp thúc đẩy quyết định mua hàng. Bạn có thể nhấn mạnh, đưa những dẫn chứng về trải nghiệm tốt đẹp của khách hàng về sản phẩm của bạn vào mô tả và ảnh phụ để kích thích nhu cầu mua hàng của khách.
Hầu hết người mua đều bị thu hút khi bởi các sản phẩm đang phổ biến và được yêu thích nhiều.
LỜI KẾT:
Khi bạn bắt đầu viết, đừng chỉ tạo ra một mô tả sản phẩm đơn thuần. Thay vào đó, hãy nghĩ về khách hàng đầu tiên và hành động như thể bạn đang muốn chia sẻ những vấn đề và trải nghiệm với khách hàng. Đừng quá cứng nhắc, nhồi nhét hàng đống thông tin mang tính lý thuyết nhàm chán. Thay vào đó hãy cố gắng sáng tạo và khiến họ bị thuyết phục bởi lợi ích trong mô tả sản phẩm của bạn để từ đó tăng doanh số bán hàng.
Chúc bạn sẽ có những sản phẩm chất lượng cùng những dòng mô tả thú vị giúp tăng trải nghiệm khách hàng và xây dựng hình ảnh thương hiệu riêng của bạn!
>> Xem thêm: Home Dropshipping – Một ngách rộng để kinh doanh