Có hơn 100.000 nhà bán hàng Việt Nam trên Amazon. Con số này gây bất ngờ với nhiều người. Vậy người Việt đang bán gì trên chợ điện tử lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 38% tổng doanh số bán lẻ của Mỹ?
Khẩu trang y tế, găng tay, quần áo bảo hộ...
Trong một chia sẻ mới đây tại sự kiện trực tuyến công bố ra mắt Trung tâm thông tin bán hàng Amazon bằng tiếng Việt, ông Gijae Seong, Giám đốc Amazon Global Selling Việt Nam thông tin, hiện đang có hơn 100.000 nhà bán hàng Việt Nam trên Amazon. Theo vị này, xuyên suốt trong đại dịch Covid-19, các nhà bán hàng đã vượt qua nhiều khó khăn và đón đầu xu thế về “nhu cầu những sản phẩm có tốc độ tăng trưởng nhanh như dụng cụ nhà bếp, đồ thể thao và trang trí nhà cửa”.
Đặc biệt, Amazon đã giúp kết nối với một số nhà bán hàng xuất khẩu khẩu trang y tế bán trên Amazon Mỹ. “Khẩu trang y tế, găng tay và quần áo bảo hộ là 3 nhóm sản phẩm mà đội ngũ Amazon đã và đang tiếp tục làm việc với các nhà sản xuất Việt Nam để thúc đẩy xuất khẩu hơn nữa trong năm 2021”, vị này nhấn mạnh. Một doanh nghiệp Việt bán khẩu trang vải chống dịch trên trang này cũng cho biết, doanh số tăng vọt gấp chục lần từ tháng 4 đến nay.
Trước khi nổi lên với các sản phẩm đồ bảo hộ y tế chống dịch, đã có hàng ngàn sản phẩm từ nhà sản xuất Việt Nam được bán trên Amazon, từ hộp dầu cao sao vàng, xấp lá chuối, bó dọc mùng cho đến chiếc túi xách đan bằng bẹ chuối cho tới những thương hiệu lớn như giày Bitis, cà phê Trung Nguyên.... Đại diện Amazon đánh giá các nhà bán hàng Việt Nam khá thành công và đã tăng doanh số không ngừng với các mặt hàng như thời trang cho phụ nữ và trẻ em, các sản phẩm trang trí nhà và văn phòng, túi gỗ, thiệp 3D và hoa giấy. Tuy không chia sẻ con số cụ thể về doanh số, nhưng tỷ lệ các đơn hàng của nhà bán hàng Việt chiếm nhóm sản phẩm đang bán chạy trên sàn này.
Một vài tín hiệu cho thấy, ngoài sản phẩm chống dịch Covid-19, nhiều mặt hàng thực phẩm chế biến mới lạ từ châu Á, trong đó có hàng Việt, đang được người tiêu dùng Mỹ ưa chuộng. Doanh nghiệp mới tham gia bán hàng lần đầu tiên trên sàn này là Công ty Sea Grapes (chuyên kinh doanh rong nho) thông tin, ngay trong mùa mua sắm đợt Black Friday và Cyber Monday vừa qua của Amazon, doanh số bán hàng của công ty tăng 300% so với ngày thường và vượt mốc 500% trong ngày Lễ Tạ ơn.
Tương tự, một đại diện doanh nghiệp làm hàng nội thất, trang trí nhà bếp tại TP.HCM cho biết, họ đã tiếp cận Amazon, đã qua “vài vòng sơ tuyển” và được nhiều khách hàng mới quan tâm sản phẩm, hy vọng sẽ bán được hàng trong năm mới này.
Với mặt hàng trang trí và nội thất, doanh số bán hàng trực tuyến ở Mỹ năm 2020 dự kiến đạt gần 76,8 tỉ USD, chiếm 25,5% tổng doanh số bán lẻ của Mỹ đối với mặt hàng này. Ước tính đến năm 2024, doanh số bán hàng trực tuyến nhóm hàng này sẽ đạt 126 tỉ USD, chiếm 37,4% tổng doanh số bán lẻ.
"Nâng đỡ” cho các doanh nghiệp nhỏ
Theo đại diện của Amazon Global Selling Việt Nam, một số sản phẩm được bán trên Amazon tăng mạnh như mỹ phẩm chăm sóc sắc đẹp, chăm sóc sức khỏe gia đình, sản phẩm cho em bé, thiết bị chăm sóc cá nhân, tạp hóa thực phẩm… Năm 2019, ngành hàng mỹ phẩm làm đẹp, chăm sóc sức khỏe gia đình và thiết bị chăm sóc cá nhân có tốc độ tăng trưởng mạnh lên 18,6% so với năm 2018, đạt 53,12 tỉ USD. Dự kiến đến năm 2022 sẽ đạt 85,52 tỉ USD. Còn đồ dùng cho mẹ và bé có tốc độ phát triển rất nhanh trên sàn này, ước tính đến năm 2026, doanh số sẽ đạt 11 tỉ USD.
Đặc biệt, một tiết lộ khá thú vị của phía Amazon là năm nay lượng khách hàng mua các sản phẩm làm việc tại nhà từ các loại giá đỡ cho màn hình, bàn ghế, bàn máy tính, đồ chơi trẻ em dành trong vườn nhà, các loại máy cắt lông cho thú cưng, đồ làm vườn, quần áo trẻ em, đồ lót…tăng mạnh tại Mỹ trong mùa đại dịch Covid-19 kéo dài.
Một nghiên cứu được nhóm nghiên cứu Statista công bố cuối tháng 8 vừa qua cho thấy, có gần 9 trong tổng số 10 người được hỏi ở Mỹ đều trả lời đã mua sắm ít nhất một thứ gì đó trên Amazon trong vòng 12 tháng qua.
Tổng giám đốc Tập đoàn tư vấn chiến lược RBNC Robert Trần, phụ trách thị trường Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương, cho rằng Amazon là kênh bán hàng giúp cho rất nhiều sản phẩm của các doanh nghiệp nhỏ, hộ gia đình hoặc cá nhân “lên ngôi” với lượng người mua hết sức đa dạng. Đặc biệt, đây là kênh “nâng đỡ” cho hàng hóa sản xuất của các hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp nhỏ hiệu quả. Dẫn một câu chuyện chứng kiến tại Thượng Hải (Trung Quốc), ông Robert Trần kể, có hai vợ chồng ở Thượng Hải với 2 người giúp việc, sản xuất theo mô hình hộ gia đình các sản phẩm túi đựng laptop, bán cho khách hàng thế giới, chỉ riêng qua kênh Amazon mà doanh số thu về hơn 100.000 USD mỗi năm vì làm sản phẩm khi còn rất ít nhà cung cấp. “Mua lẻ trên kênh này chiếm tỷ lệ rất lớn, đa số người Mỹ đều từng mua hàng trên Amazon. Với các nhà sản xuất lớn thì kênh Amazon là công cụ dùng marketing khá hiệu quả. Khác với bán hàng trên các kênh Lazada, Shopee… phục vụ cho người tiêu dùng nội địa là chính, Amazon giúp doanh nghiệp tiếp cận ra thị trường thế giới”, ông Robert Trần nói
Theo ThanhNien.vn