Thời gian qua, Đoàn đại biểu cấp cao VN đã lên đường thăm chính thức Mỹ. PV Dân Việt cùng tiến sĩ Alan Phan nhìn lại chặng đường quan hệ Việt- Mỹ cũng như các giải pháp để thúc đẩy, mở rộng quan hệ thương mại giữa hai nước.
Đăng Thúy - Dân Việt
Là người có 43 năm kinh nghiệm kinh doanh trên đất Mỹ, tiến sĩ đánh giá như thế nào về hợp tác thương mại Việt - Mỹ ở thời điểm hiện tại và cơ hội trong tương lai?
- Quan hệ thương mại giữa hai nước Việt Nam – Mỹ đã tăng lên đáng kể so với quá khứ. Từ năm 2005, Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Hiện tại, hàng hóa Việt Nam rất cần thị trường Mỹ, có thể nói là cần hơn bao giờ hết. Lý do là vì trong khi Việt Nam đang nhập siêu với Trung Quốc thì đến được thị trường Mỹ là điều quá tốt đối với các sản phẩm của Việt Nam.
Mặc dù, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng trong những năm gần đây, nhưng số lượng hàng Mỹ bán qua Việt Nam không nhiều nên có thể nói Việt Nam vẫn chưa phải là thị trường mà các nhà đầu tư Mỹ đặt hết sự quan tâm và kỳ vọng.
Có thể nói, Mỹ là một thị trường rất lớn, bao la và bao phủ các sản phẩm tối tân. Mỹ thực sự là một thị trường mở, trong khi Việt Nam khai thác thị trường này chưa được nhiều, hay nói cách khác, những hợp tác thương mại hiện tại, chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước.
Vậy theo ông, Việt Nam phải làm gì để các sản phẩm của mình khi đến được với thị trường Mỹ thì phải trụ lại và có chỗ đứng nhất định?
- Mỹ là nước công nghiệp phát triển hàng đầu trên thế giới. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2012 khoảng 15.685 tỷ USD, chiếm khoảng 20% GDP toàn thế giới. GDP theo đầu người đạt khoảng 49.965 USD. Trong cơ cấu kinh tế, dịch vụ chiếm khoảng 79,7%, công nghiệp 19,1%, nông nghiệp 1,2%. Kim ngạch xuất nhập khẩu của Mỹ chiếm hơn 30% GDP, là nước xuất, nhập khẩu lớn nhất thế giới.
Như tôi nói, bởi vì Mỹ có một thị trường mở như vậy, nên cơ hội của chúng ta cũng rất nhiều. Hàng hóa nào của Việt Nam cũng có thể xuất khẩu sang Mỹ. Tuy nhiên, để thành công, lời khuyên của tôi là muốn hợp tác với họ thì phải biết khách hàng muốn gì và mình phải đáp ứng được những nhu cầu của người tiêu dùng ở Mỹ, chứ không lấy cái chuẩn nhu cầu tiêu dùng của người Việt để mang đi xuất khẩu.
Vậy theo đánh giá của tiến sĩ, thế mạnh của hàng Việt ở thị trường Mỹ là gì?
- Chúng ta cũng có một vài thế mạnh đó là các sản phẩm công nghệ và nông nghiệp. Nhưng để những thế mạnh này có sức sống lâu bền, chúng ta phải nâng cao cạnh tranh về chất lượng sản phẩm. Riêng về các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam, thị trường Mỹ cũng có những tín hiệu rất đáng mừng. Người tiêu dùng Mỹ cũng rất ưa chuộng các loại nông sản Việt như trái cây và gạo.
Ngoài ra, mình có một cái lợi thế nữa đó là ở Mỹ hiện có khoảng 2 triệu người gốc Việt đang sinh sống. Đó là một thị trường tiềm năng, dễ tiếp cận và ưa chuộng những sản phẩm quê nhà.
Được coi là nước nhập khẩu nhiều mặt hàng của Việt Nam song dường như Mỹ đã và đang cố tình tìm cách gây khó cho hàng xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng nông sản?
- Nói như vậy là không hoàn toàn đúng. Thực tế, Mỹ không phải gây khó cho doanh nghiệp Việt Nam mà vấn đề là quy định chung của họ là như vậy. Không cứ gì hàng Việt Nam, hàng Trung Quốc, thậm chí hàng châu Âu đều phải trải qua quá trình kiểm soát chặt chẽ. Đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thực phẩm, quy chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của Mỹ rất cao.
Theo tôi biết, trong những năm gần đây, Mỹ đặc biệt chú ý đến những vụ việc liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm ở Việt Nam và các nước khác mà các cơ quan truyền thông đăng tải.
Để bảo vệ người tiêu dùng, Mỹ kiểm soát chặt chẽ hơn chất lượng sản phẩm. Vì thế, để các sản phẩm của chúng ta luôn có uy tín, thì không còn cách nào khác là chúng ta phải tuân thủ các quy định của họ. Đó cũng là nâng cao tính cạnh tranh.
Theo tiến sĩ, khi quan hệ ngoại giao được nâng cấp, liệu có tạo ra được một làn sóng đầu tư mạnh mẽ từ Mỹ vào Việt Nam hay không?
- Cái đó rất khó nói, bởi người Mỹ không làm ăn theo kiểu bị áp đặt. Các doanh nghiệp Mỹ không bị chi phối bởi chính phủ và họ không cần quan hệ chính trị, cái họ cần là uy tín và chất lượng. Trên thực tế, thể chế kinh tế của Việt Nam khác với Mỹ, vẫn còn nhiều rào cản. Mà để xóa bỏ được những rào cản đó, Việt Nam phải trở thành nền kinh tế thị trường theo đúng nghĩa.
Xin cảm ơn ông!
Đăng Thúy - Dân Việt